Tăng năng lực xuất khẩu cho nông sản Việt Nam

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 22,59 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2021, trong đó 5 nhóm hàng có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD là: cà phê, cao su, gạo, rau quả, và điều.

Nông sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Để tăng năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản, các chuyên gia cho rằng cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản để đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm…

MỨC ĐỘ SẴN SÀNG CHO HỘI NHẬP CÒN KHIÊM TỐN

Tám tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 16,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng tới 61,8%, kết quả này cao hơn của cả năm 2022 là 3,36 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu gia vị của Việt Nam trong 8 tháng năm 2023 đạt trên 1 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), bên cạnh những thành tựu đạt được trong hội nhập, phải thừa nhận thực tế sự chủ động hội nhập của ngành nông sản chưa cao. Mức độ sẵn sàng cho hội nhập của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn khiêm tốn. Việc khai thác cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho phát triển thị trường xuất khẩu nông sản thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Hơn nữa, việc tận dụng ưu đãi về thuế, việc chuẩn bị để đáp ứng quy tắc xuất xứ và khai thác các lợi ích khác của việc mở cửa thị trường trong các FTA song phương, khu vực và đa phương để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang các thị trường FTA còn một số hạn chế.

Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển các ngành chưa phù hợp, chưa tiếp cận sát với nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Thiếu chính sách khuyến khích, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và doanh nghiệp FDI để nâng cao sức mạnh tổng hợp về vốn, công nghệ, trình độ quản lý khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, ông Hội đánh giá các cơ chế, chính sách phát triển xuất khẩu nông sản của Việt Nam chưa khuyến khích phát triển xuất khẩu theo chiều sâu, chưa tập trung khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam.

Chính sách hỗ trợ xuất khẩu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu hàng nông sản Việt Nam cũng như việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vượt rào cản và các biện pháp phòng vệ thương mại còn nhiều vướng mắc, thiếu nhất quán và chưa hiệu quả.

Ở góc độ khác, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), chỉ ra thực tế rằng ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản cho Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp chủ yếu là các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ; chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp chưa cao; sàn giao dịch công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp còn thiếu và yếu.

Đặc biệt, cơ chế, chính sách khuyến khích chưa đáp ứng kịp thời, cụ thể, chính sách chưa thực sự hấp dẫn để thu hút được nhiều doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ; chưa có chính sách hỗ trợ về đầu tư mạo hiểm; chính sách tín dụng chưa hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ…

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ, THÁO GỠ RÀO CẢN

Để tăng năng lực xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời gian tới, ông Hội đề xuất cần cơ cấu lại các mặt hàng nông sản gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt các mặt hàng cần chế biến sâu, nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu nông sản. Đồng thời, tăng cường công tác điều phối phát triển xuất khẩu nông sản theo vùng, lãnh thổ, nâng cao hiệu quả liên kết vùng góp phần hình thành các cụm liên kết, các chuỗi giá trị nhằm tận dụng lợi thế tại một số địa phương, vùng kinh tế.

Bên cạnh đó, cùng với việc nghiên cứu triển khai có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, đề án đầu tư phát triển các trung tâm cung ứng phục vụ xuất khẩu nông sản, cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu, trong đó chú trọng đến các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, in 3D, vật liệu mới…).

Mặt khác, tiếp tục tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản thân thiện với môi trường, có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao. Đẩy mạnh triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, phát triển du lịch và ẩm thực.

Hơn nữa, ông Hội cho rằng cần tăng cường liên kết, phát huy vai trò của tổ chức của nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp) trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến đến tiếp cận thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.

Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy vai trò của địa phương trong lựa chọn loại nông sản thích hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, nông sản đặc trưng, phát triển thương hiệu đi cùng với các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Bổ sung thêm, ông Nghiệm cho rằng Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đi trước trong ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị nông sản như Israel, Nhật Bản.

Tại Israel, Chính phủ nước này đầu tư xây dựng, thành lập các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ tư vấn kỹ thuật nông nghiệp. Chính phủ, các ngân hàng luôn sẵn sàng đầu tư vào những ý tưởng và dự án nông nghiệp mới…

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45-2023 phát hành ngày 06-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

Nông sản Việt hướng tới chế biến sâu – gia tăng giá trị xuất khẩu

Hiện nay Việt Nam là nhà cung ứng các sản phẩm nông sản hàng đầu thế giới: Đứng thứ hai thế giới về cà phê, thứ nhất về hạt điều và hạt tiêu, và thứ ba về gạo…

(Chinhphu.vn) – Các hiệp định thương mại đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông lâm thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan. Đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chia sẻ tại hội thảo “Xu hướng thị trường và cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào các hệ thống phân phối quốc tế” diễn ra ngày 7/6 tại TPHCM, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, nông sản Việt đang chuyển dần từ xuất khẩu thô sang tăng tỉ lệ xuất khẩu tinh, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.

Thực tế cho thấy những năm gần đây, xuất khẩu nông sản thực phẩm luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21,0% so với cùng kỳ năm 2023. Điều đáng nói là so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu nhiều nhóm hàng đã nâng cao giá trị gia tăng. Đơn cử, cà phê đạt 2,9 tỷ USD tăng 44,1%, gạo đạt 2,65 tỷ USD tăng 38,2%, rau quả đạt 2,59 tỷ tăng 28,1%, tôm đạt 1,3 tỷ USD tăng 7,5% …

Mặc dù xuất khẩu nông sản Việt Nam đang khởi sắc trở lại, nhưng theo các chuyên gia, nông sản Việt Nam phải đối mặt với 3 thách thức lớn. Cụ thể, tiêu chuẩn chất lượng hay các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao; những tác động tiêu cực của xung đột thương mại, xung đột địa chính trị đã khiến cho chủ nghĩa bảo hộ quay lại khi các nền kinh tế đều có xu hướng bảo vệ nền sản xuất trong nước, dẫn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện thương mại ngày càng nhiều; thách thức còn đến khi phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Do vậy, các chuyên gia khuyến nghị các DN xuất khẩu nông sản cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng để kịp thời bắt nhịp với xu thế phát triển của thị trường thế giới.

Các chuyên gia cho rằng, nông sản Việt cần hướng tới chế biến sâu nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn từ thị trường xuất khẩu. Ảnh: VGP/Anh Lê

Ở góc độ địa phương, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, ngành chế biến lương thực, thực phẩm đặc biệt là nông sản và thực phẩm chế biến là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của Thành phố, hằng năm đóng góp 14 – 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của Thành phố.

Thời gian qua, TPHCM luôn tích cực, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.

Những tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất của ngành chế biến lương thực, thực phẩm của Thành phố đã có sự phục hồi khởi sắc và tăng trưởng trở lại. Kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản của 4 tháng đầu năm 2024 đã tăng trưởng rất tốt, đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó mặt hàng gạo tăng 74,5%, cà phê tăng 94,3%, hạt tiêu tăng 88%, thủy sản tăng 47,5%, rau quả tăng 56,3%…

Để hỗ trợ các DN xuất khẩu mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó có nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào các hệ thống phân phối quốc tế, chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2024) đang diễn ra từ ngày 6 – 8/6 tại TPHCM, thu hút 300 nhà mua hàng quốc tế cùng hàng trăm doanh nghiệp trong nước tham gia. Các nhà mua hàng quốc tế như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản), Walmart, Amazon, Safeway (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp), Falabella (Chile), Coppel (Mexico), Central Retail (Thái lan), Lotte (Hàn Quốc), Miniso (Trung Quốc)… đều có chung nhận định, hàng Việt có chất lượng và tiềm năng xuất khẩu vào chuỗi cung ứng của họ. Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới khẳng định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt đưa hàng chất lượng cao đến với người tiêu dùng toàn cầu.

Nguồn chinhphu.vn

Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu

Ngày 28/9/2023, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 9/2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu”.

Tham dự hội nghị có các đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí đăng ký tham dự.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – cho biết, trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng; tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế. Riêng đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Với cây hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc.

Các mặt hàng, sản phẩm từ quế, hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch. Bên cạnh đó, có thể kể đến là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm toàn cầu và được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực tại nhiều quốc gia.

Hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan – Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu – EU. Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển.

Ấn Độ tiêu thụ sản phẩm quế, hồi hàng đầu thế giới cũng là nước sản xuất dược liệu lớn. Hiện Việt Nam thống lĩnh thị trường Ấn Độ với hơn 80% lượng nhập khẩu quế, hồi. Ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ – cho biết, Việt Nam là quốc gia cung cấp mặt hàng quế lớn nhất cho thị trường này. Riêng năm tài chính 2022 – 2023 Việt Nam đã xuất khẩu 32.650 tấn quế, chiếm 85% lượng quế nhập khẩu của Ấn Độ. “Quế Việt Nam được ưa chuộng tại Ấn Độ do hàm lượng tinh dầu tốt, có hương vị đặc trưng. Mặt khác, lợi thế để xuất khẩu sản phẩm này sang Ấn Độ là nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định FTA ASEAN – Ấn Độ. Đặc biệt, với dân số đông, Ấn Độ có dải nhu cầu của thị trường rất lớn về quế, hồi, dược liệu”- ông Thướng thông tin.

Hay tại Hoa Kỳ, quế, hồi là những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam tại thị trường này. Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu quế của Việt Nam sang nước này đạt khoảng 50 triệu USD, chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu quế của Hoa Kỳ.

“Nhờ chất lượng tốt và số lượng ổn định, mặt hàng này được nhiều thị trường ưa chuộng, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ nơi có dân số đông, đa dạng về sắc dân và nhu cầu tiêu dùng hướng đến các mặt hàng đặc sản, có giá trị sức khoẻ. Quế hồi không chỉ là gia vị được ưa chuộng, mà còn được sử dụng rất nhiều trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, được bổ sung vào trà, cà phê và các đồ uống khác”- ông Hưng nhấn mạnh và cho biết thêm, trong bối cảnh hậu đại dịch, mối quan tâm gần như hàng đầu của người tiêu dùng là những sản phẩm tăng sức đề kháng và dễ dàng chế biến, sử dụng tại nhà. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng tinh dầu quế là đang ngày càng tăng mang lại tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu quế hồi của Việt Nam.

Một thị trường nhập khẩu quế, hồi tiềm năng khác là Pakistan, theo thông tin của bà Nguyễn Thị Điệp Hà – Phụ trách Thương vụ, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, Pakistan có nhu cầu cao với quế hồi, dược liệu. Năm 2022 Pakistan  nhập khẩu 7.000 tấn quế, trong đó quế Việt Nam chiếm hơn 4% thị phần. Xuất khẩu quế từ Việt Nam sang Pakistan tăng hơn 200% trong năm 2022 so với năm 2021.

Đầu tư sản xuất, chế biến sâu và có chiến lược quảng bá phù hợp

Có thể thấy, giá trị xuất khẩu quế, hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe… vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Ông Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục quản lý y dược (Bộ Y tế) – cho biết, Việt Nam là quốc gia có nguồn dược liệu đa dạng, nhiều loại quý và hiếm. Tuy nhiên đây chưa phải là nguồn hàng hoá có kim ngạch xuất khẩu cao. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có quy hoạch phát triển cây dược liệu tại Việt Nam đang mang tính tự phát, đặc biệt do chưa xác định đầu ra cụ thể nên vẫn xảy ra tình trạng phá bỏ do không tiêu thụ được.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thế Thịnh đề nghị: Các Bộ ngành phối hợp phát triển công nghiệp chế biến cây dược liệu, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho bà con vùng trồng. Doanh nghiệp tăng cường tham gia triển lãm quốc tế nhằm tìm đối tác Cùng đó, cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu các dự án để nghiên cứu bảo tồn nguồn gen, giống cây thuốc xây dựng vườn cây quốc gia. Liên kết cá nhân trong và người nước phát triển dược liệu hướng đến xuất khẩu. Xác định chiến lược tiếp thị và quảng bá phù hợp. Tăng cường hiệu quả vận chuyển giao hàng, trao đổi thông tin về chính sách thương mại, nhất là chính sách mới.

Yên Bái là địa phương có diện tích quế lớn nhất cả nước với 86.000 ha, sản lượng đạt 30.000 tấn/năm, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Chiến – Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái, kim ngạch xuất khẩu quế và sản phẩm từ quế của Yên Bái rất khiêm tốn, chỉ từ 50-60 triệu USD. Mong muốn thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục giới thiệu quế của Yên Bái với nhà nhập khẩu trên thế giới, thu hút nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ quế trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Cũng như Yên Bái, Lai Châu là một trong các địa phương có diện tích trồng quế, hồi lớn, sản lượng chế biến đạt từ 50-60 tấn/năm. Ngoài ra, Lai Châu còn có các loại dược liệu khác như thảo quả, sa nhân rất tiềm năng. Dù vậy, ông Nguyễn Trọng Thức – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho biết, chi phí sản xuất, quy trình bảo quản, vận chuyển đang là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp địa phương nhằm thúc đẩy xuất khẩu quế, hồi, dược liệu ra thị trường quốc tế.

Với những khó khăn hiện tại, tỉnh Lai Châu mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ địa phương kết nối, quảng bá sản phẩm quế, hồi và dược liệu khác đến các thị trường các nước; giới thiệu các doanh nghiệp có nhu cầu đến Lai Châu tìm kiếm hợp tác. Các cơ quan thương vụ thường xuyên thông tin về nhu cầu, tiêu chuẩn từ các thị trường để Lai Châu phổ biến đến các doanh nghiệp nhằm xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, đáp ứng đòi hỏi của thị trường.

Cũng tại hội nghị, đại diện các Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Bắc (Trung Quốc) – những thị trường tiềm năng và có nhu cầu đáng kể về các sản phẩm quế, hồi, cây dược liệu thông tin cập nhật về tình hình thị trường; một số quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng quế, hồi và cây dược liệu của Việt Nam; đồng thời đưa ra những khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp cần mạnh dạn phát triển thị trường, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu của thị trường; đầu tư sản xuất, chế biến sâu.

Ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, để có thể mở rộng thị phần quế, hồi Việt Nam tại Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần có chứng nhận FDA. Về sản xuất, doanh nghiệp, địa phương trong nước cần đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tăng chế biến sản phẩm tinh. “Bên cạnh đóquảng bá sản phẩm quế, hồi của Việt Nam trên các phương tiện truyền thông; tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn tại Hoa Kỳ và các nước trên thế giới...”- ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị.

Tương tự tại thị trường Pakistan, bà Nguyễn Thị Điệp Hà cũng cho biết, Pakistan nhập khẩu quế chủ yếu làm gia vị nên ưa chuộng loại quế vỏ mỏng tinh dầu thấp. Quế nhập khẩu vào Pakistan cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật, chứng nhận Halal, riêng sản phẩm qua chế biến phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với quế, hoa hồi Việt Nam chiếm 1% thị phần và thảo quả chiếm 5,8% thị phần tại Pakistan. Quốc gia này nhập khẩu hoa hồi và thảo quả cũng chủ yếu làm gia vị do đó ưa chuộng loại giá rẻ, ít tinh dầu và cần có các chứng nhận tương như với quế và sản phẩm từ quế.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Điệp Hà cũng lưu ý các cơ quan trong nước khuyến khích phát triển vùng trồng với các loại cây này để giữ ổn định sản lượng cung ứng; thành lập các hội và chi hội ngành hàng tại các địa phương để tránh bị ép giá.

Thời gian tới, để tăng cơ hội và tạo điều kiện xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu của Việt Nam ra thị trường quốc tế, ông Vũ Bá Phú đã nêu 5 nhóm vấn đề cần tháo gỡ, đó là: Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm, bảo tồn gen, giống quý hiếm của dược liệu; đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh tăng cường liên doanh liên kết, phát triển thị trường xuất khẩu; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ngành dược liệu Việt Nam; phát triển dịch vụ logistics; quy hoạch vùng nguyên liệu lớn nhằm tạo ra sản lượng thương mại đủ lớn, phục vụ cho xuất khẩu.

Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm của các địa phương; giữ kết nối chặt chẽ với Bộ Y tế, tạo mối liên kết với doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến dược liệu của Việt Nam. Đồng thời, đề nghị các Thương vụ Việt Nam quan tâm, hỗ trợ, cung cấp thông tin nhu cầu thị trường, các quy định, yêu cầu để quế, hồi, cây dược liệu tiếp cận, phát triển thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị thương hiệu trên thị trường thế giới”– ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Nguồn moit.gov.vn